Menu
  • TP.HCM sau 40 năm: Hạ tầng giao thông đã đổi thay

    Thứ ba, 28 Tháng Tư, 2015

    (Xây dựng) – Sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền TP.HCM bắt tay vào hàn gắn vết thương sau chiến tranh, ổn định đời sống cho người dân và phát triển kinh tế – xã hội. Do đất nước đang còn nghèo lại vừa trải qua chiến tranh nên việc phát triển hạ tầng giao thông đòi hỏi rất nhiều kinh phí. Chính vì vậy, hạ tầng giao thông TP trong những năm thập niên 80, 90 của thế kỷ trước gần như không thay đổi mà chủ yếu là các công trình từ chế độ cũ để lại. Tuy nhiên, bằng sự năng động, sáng tạo TP.HCM đã giải được bài toán phát triển hạ tầng giao thông, tạo đà cho đô thị phát triển và kéo theo đó là sự phát triển về kinh tế – xã hội.



    Cầu Thủ Thiêm, hầm Thủ Thiêm nối trung tâm Q.1 với Q.2 đi Q.9.

    Giảm ùn tắc giao thông

    “Thời gian là vàng” là cách ví von của người dân nói về tình trạng lãng phí thời gian vì bị kẹt xe. Nếu trước kia tình trạng kẹt xe 1 – 2 giờ ở mỗi nút giao thông trên địa bàn TP là chuyện bình thường thì nay tình trạng đó đã không còn nữa. Hàng loạt các điểm đen về ùn tắc giao thông được xây dựng bằng cầu vượt bê tông cốt thép hoặc cầu vượt bằng sắt. Điển hình như cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức, nút giao thông Hàng Xanh, vòng xoay Cây Gõ… Ông Nguyễn Văn Tài ngụ tại Q.9 cho biết: Từ khi có cầu vượt tại ngã tư Thủ Đức thì việc đi lại của người dân trong khu vực được thuận tiện hơn. Kinh doanh buôn bán cũng phát triển nên đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Trong những năm gần đây hệ thống hạ tầng giao thông của TP ngày càng được hoàn thiện, hàng loạt cây cầu, con đường được xây mới như cầu Phú Mỹ, hầm Thủ Thiêm, cầu Bình Triệu 2, đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Văn Kiệt, đường Trường Sa, Hoàng Sa… không chỉ giảm ùn tắc ở các khu vực này mà góp phần làm tăng thêm vẻ mỹ quan cho đô thị.

    Kinh tế phát triển

    Đi lại thuận tiện, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí là những gì mà người dân cảm nhận rõ từ khi các tuyến đường huyết mạch của TP.HCM được đưa vào sử dụng. Trước kia, cửa ngõ chính để vào nội ô TP.HCM từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc chủ yếu bằng cầu Sài Gòn nhưng nay đã có rất nhiều đường đi. Đi qua cao tốc Long Thành – Dầu Giây vào đường Mai Chí Thọ hầm Thủ Thiêm, hoặc cầu Sài Gòn, cầu Phú Mỹ hay đường Phạm Văn Đồng đều thuận tiện và thông thoáng. Anh Nguyễn Văn Ngọc, tài xế xe Bắc – Nam cho biết, chưa bao giờ sự kết nối giao thông giữa các tỉnh Nam bộ lại thuận tiện, nối liền một vòng như hiện nay. Xe từ hướng các tỉnh miền Đông Nam bộ đi theo đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây về TP.HCM, sau đó tiếp tục hướng vành đai 2 của TP.HCM qua cầu Phú Mỹ – Nguyễn Văn Linh rồi kết nối vào tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương về các tỉnh ĐBSCL và ngược lại. Theo đó, thời gian đi lại giữa các tỉnh miền Đông và miền Tây tiết kiệm được khoảng 1 – 2 giờ. Việc tiết kiệm được thời gian đã giảm được chi phí xăng dầu, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế.



    Cầu Phú Mỹ biểu tượng của TP.HCM.

    Trong các công trình hạ tầng giao thông hiện đại của TP.HCM phải kể đến cầu Phú Mỹ thông xe năm 2009, nối Q.2 với Q.7. Đây không chỉ là cầu dây văng hiện đại mà còn được xem là một trong những công trình biểu tượng của TP.HCM. Với khung trụ cầu hình chữ H, cầu có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng năng lực giao thông của TP với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do nối kết với trục Đông Tây nên các phương tiện từ miền Tây đến Vũng Tàu (qua các tuyến cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) và từ miền Trung vào qua tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây không phải đi xuyên tâm TP. Cầu Phú Mỹ còn gắn kết đường vành đai phía Tây và phía Đông, khép kín đường vành đai chủ lực của TP. Bên cạnh đó, không thể không kể đến tuyến Metro số 1 (tuyến tàu điện ngầm Bến Thành – Suối Tiên) đang được hình thành sẽ ghi tên vào những công trình hạ tầng giao thông hiện đại của TP.

    Các dự án hạ tầng giao thông không chỉ giải quyết bài toán giao thông trước mắt, mà còn tạo ra một cú hích giúp các tỉnh khu vực Nam bộ đột phá phát triển kinh tế – xã hội. 40 năm không phải là dài đối với một đô thị trẻ chỉ hơn 300 năm như TP.HCM, nhưng với hàng chục ngàn tỷ đồng được đầu tư cho hạ tầng giao thông mỗi năm và hàng trăm công trình đã, đang và sắp xây dựng, trong thời gian tới diện mạo TP sẽ có những đổi thay hơn nữa.

    Cao Cường