Menu
  • Thủy điện Lai Châu những ngày tháng Tư

    Thứ ba, 28 Tháng Tư, 2015

    (Xây dựng) – Đến công trường xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu vào những ngày cuối tháng 4 mặc dù thời tiết mưa gió thất thường luôn đổ xuống bất kỳ sáng sớm hay chiều tối, vẫn không làm giảm nhịp độ thi công của các lực lượng xây, lắp trên công trình. Con đập dâng nước là hạng mục quan trọng số 1 của nhà máy đang được đắp đổ tới cao độ 102, nghĩa là chỉ còn khoảng 6 – 7m nữa là đạt đỉnh thiết kế. Hàng trăm công nhân Cty Sông Đà 9 cùng với hơn hai chục đầu xe, máy ủi, máy đầm, nén, máy cạo sờm, máy gạt thay nhau làm việc ca nối ca liên tục đắp đổ bê tông đầm lăn trên mặt đập. Đập Lai Châu được đắp theo quy trình giống như đập thủy điện Sơn La đã thực hiện thành công an toàn có đôi chút khác nhau do địa hình, thời tiết, cầu băng tải vận chuyển bê tông xa hơn, đặc biệt thợ thi công Sông Đà 9 đã tự đảm nhận vận hành từ khâu kỹ thuật, kiểm tra cấp phối và thao tác thi công mà không phải thuê chuyên gia nước ngoài hướng dẫn, kèm cặp. Chỉ huy trưởng Đinh Văn Đại cùng trưởng phòng thi công Xí nghiệp Sông Đà 9.08 Lê Đình Quang đã thay nhau túc trực chỉ huy trong suốt thời gian hơn 780 ngày đêm từ khi đổ khối bê tông đầu tiên cho đến lúc kết thúc khối đổ cuối cùng đạt khối lượng 1.9 triệu mét khối bê tông, hoàn thành toàn bộ con đập cao 110m rộng 90m vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày thống thất đất nước.

    Trao đổi với ông Vũ Hồng Trường – Giám đốc Ban điều hành tổ hợp nhà thầu, ông cho biết thời điểm này, các lực lượng xây dựng thuộc TCty Xây dựng Trường Sơn, TCty Licogi cùng với Xí nghiệp sông Đà 9.08 đang tập trung cao độ vào công việc tháo dỡ đê quây giai đoạn 2 và hệ thống bê tông trong hố móng để phục vụ cho kế hoạch hoàn chỉnh toàn bộ tường phân dòng tường đầu hồi tiến tới đổ bê tông trong tháng 5 tới, TCty Xây dựng Trường Sơn còn phải tiến hành gia cố bờ phải và đắp bổ sung tường phân dòng đầu hồi. Cty Sông Đà 10 tiếp tục khoan phun chống thấm nền đập và hoàn thành toàn bộ công tác khoan trắc. Giám đốc Vũ Hồng Trường cho biết: Thêm một số công việc cấp bách khác đã được hoàn tất trong tháng 4 đầu tháng 5 như thi công xong phần xây dựng gian lắp ráp và gian trung chuyển, làm xong phần xây dựng tổ máy 1 tổ máy 2 hoàn thành công tác đổ bê tông khu vực lòng sông, vai trái vai phải đến cao độ 285 xấp xỉ mức thiết kế; đắp đổ xong bê tông thượng, hạ lưu gian biến thế, đã lắp xong dầm cầu trục tại cao độ 233 và đổ bê tông buồng xoắn số 2 để phục vụ cho công tác đóng cống dẫn dòng tích nước lòng hồ chuẩn bị cho phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2015 theo đúng kế hoạch của ban chỉ đạo Nhà nước đề ra. Trên công trường vẫn duy trì các cuộc giao ban hàng ngày vào lúc 6 giờ sáng giữa các nhà thầu dưới sự chủ trì của ban điều hành tổng thầu vừa để cập nhật tình hình thi công hôm trước, vừa giải quyết những vướng mắc và bố trí thực hiện nhiệm vụ cho ngày hôm sau.

    Đứng trên độ cao mặt đập nhìn xuống phía hạ lưu và khu vực nhà máy có thể nhận ra hàng ngàn người thợ thuộc các đơn vị nhà thầu khác nhau đang thực thi phần việc của mình. Giám đốc chi nhánh sông Đà 7.05, kiêm trưởng đại diện Cty Sông Đà 7 Trần Trung Hiếu cho biết: Sông Đà 7 đưa lên công trường Lai Châu 3 chi nhánh gồm 7.04, 7.05 và 7.07, với số lượng hơn 700 công nhân vận hành là đơn vị chủ lực, chuyên khai thác đá, để cung cấp VLXD cho toàn công trường. Chi nhánh 7.04 quản lý, vận hành 4 trạm nghiền công suất từ 350 – 650 nghìn m3/h chủ yếu sản xuất loại đá làm cốt liệu đặc chủng cung cấp 75% cốt liệu cho nhà máy sản xuất bê tông đầm lăn. Các chi nhánh 7.05 và 7.07 được ban tổ hợp tổng thầu giao nhiệm vụ thi công phần xây dựng toàn bộ tổ máy số 3 gồm những hạng mục trọng yếu như đổ bê tông khu vực móng và nền tổ máy, thi công cửa nhận nước, đặc biệt là đảm nhận thi công 4/6 khoang xả tràn của nhà máy với khoảng trên 100 nghìn mét khối bê tông. Nhiệm vụ của Sông Đà 7 còn phải khoan, phá vận chuyển và sản xuất đá, phục vụ cho công tác đổ bê tông thường theo đơn đặt hàng của một số đơn vị trên công trường. Theo giám đốc Trần Trung Hiếu, cho đến nay các lực lượng của 3 chi nhánh Sông Đà 7 đang và đã hoàn thành bàn giao rất nhiều hạng mục công trình chính đảm bảo đúng tiến độ vào tháng 5/2015 phục vụ mục tiêu chặn dòng sông Đà đợt cuối.

    Trong khi đang mải mê tác nghiệp trên hiện trường thì trời đổ mưa, tôi chạy ào vào lán để trú mưa, đột nhiên có tiếng gọi, lúc sau mới nhận ra kỹ sư trẻ Nguyễn Anh Tuấn – một người mà tôi đã có dịp gặp. Tuấn có mặt ngay từ buổi đầu công trường chưa khởi công, là Tổng đội phó thuộc Sông Đà 11, đây là đơn vị luôn luôn đến trước về sau. Sông Đà 11 có nhiệm vụ xây lắp, dựng cột, kéo hàng trăm ki-lô-mét dây dẫn điện đồng thời tìm nguồn khoan giếng nước, lắp hệ thống ống để phục vụ điện, nước thi công cho công trường và cung ứng cho sinh hoạt của khoảng 5 – 6 nghìn người xây dựng lúc cao điểm. Tuấn kể rằng thời gian này tổng đội của anh đang khẩn trương cung cấp điện nước cho công tác thi công đổ bê tông đầm lăn trên mặt đập, cấp điện cho lực lượng LILAMA làm công tác sấy các thiết bị đưa vào lắp đặt tổ máy 1 như rô-to, sta-to, bánh xe công tác, đồng thời vận hành dây chuyền xử lý nước sinh hoạt cho toàn công trường và khu vực các cơ quan huyện Nậm Nhùn đóng trên địa bàn thị xã. Với thành tích phục vụ xuất sắc nhiệm vụ cung cấp điện nước trên đại công trường xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, Chi nhánh điện nước sông Đà 11.1 đã được Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Ba nhân dịp khánh thành nhà máy. Đến công trường thủy điện Lai Châu, cán bộ công nhân Chi nhánh sông Đà 11.1 luôn sẵn sàng ứng trực 24/24 giờ để phục vụ nhu cầu bơm xả nước ở những nơi sung yếu cấp thiết.

    Nói về thành quả vận hành dây chuyền công nghệ bê tông đầm lăn tại Lai Châu, kỹ sư Nguyễn Văn Vụ – trưởng đại diện Sông Đà 5 kiêm giám đốc Xí nghiệp Sông Đà 5.06 trao đổi: Những cán bộ kỹ sư công nhân vận hành thuộc Sông Đà 5 đã có nhiều năm tháng học tập và thao tác trên các công đoạn của nhà máy sản xuất bê tông tại thủy điện Sơn La mấy năm trước, nay đã thao tác thuần thục ở tất cả các công đoạn từ pha trộn phụ gia, điều chế lượng nước đến kỹ thuật xử lý nhiệt độ, nên đến thi công ở Lai Châu không phải thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài kiểm tra từng lô sản phẩm trước khi xuất xưởng vận chuyển ra mặt đập. Có thể nói, đến thời điểm này, Sông Đà 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng là sản xuất 1,9 triệu mét khối bê tông đạt chất lượng, đúng tiêu chuẩn đưa vào đắp đổ thành công đập dâng nước thủy điện Lai Châu. Cũng theo ông Vụ, sang đầu tháng 5 tới lực lượng thợ sông Đà 5 sẽ tập trung vào việc tháo dỡ, lau chùi, đóng gói toàn bộ thiết bị nhà máy và hơn 2km băng chuyền rời khỏi công trường Lai Châu đến với công trình mới. Các lực lượng xây dựng Sông Đà 5 còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thi công phần nền móng của hai tổ máy số 1 và số 2.

    Giám đốc Ban điều hành tổng thầu Vũ Hồng Trường thông tin cho tôi biết, song song với việc tích cực, khẩn trương thi công hoàn thành các hạng mục chủ yếu của phần xây dựng thì công tác lắp đặt thiết bị các tổ máy đang nóng lên từng ngày. Ông Trường giới thiệu với tôi kỹ sư cơ khí Trần Hữu Bảo – Phó đại diện TCty LILAMA điều hành công tác lắp máy tại công trình. Thật kỳ ngộ, kỹ sư Bảo đã nhận ra tôi vì đã từng gặp nhau trên các công trường xây dựng thủy điện Sesan 3 Pleik’rông, Yaly và mới đây là Sơn La. Bảo cho hay hiện nay quân số của LILAMA được điều đến công trường gần 1.000 người trong đó có trên 300 cán bộ kỹ sư kỹ thuật, số còn lại hầu hết là thợ chuyên ngành hàn và lắp máy. Đây là thời kỳ cao điểm của công tác lắp thiết bị. Đến thời điểm này thợ LILAMA đã lắp xong 4 bộ van cung và tiến hành thử khô, kết thúc lắp đặt tuyến áp lực, lợp mái tre nhà van thả sâu, lắp xong bộ van vận hành cả 3 tổ máy, lắp đặt thiết bị cửa nhận nước và hệ thống lưới chắn rác. Đã cẩu lắp váo vị trí 3 buồng xoắn, hiện đang tổ hợp roto tổ máy số 1 với tổng số 980 tấn thiết bị, mục tiêu trước mắt tiến hành lắp xong bánh xe công tác vào cuối tháng 5 tới.

    Trước lúc rời công trường, chúng tôi tìm gặp vị đại diện nhà đầu tư – EVN, ông Bùi Phương Nam – Phó trưởng BQLDA cho biết, tất cả các hạng mục thiết yếu trên công trường đều đang đi đúng kế hoạch dự kiến, việc hoàn thành phá giỡ đê quây giai đoạn 2 và con đập chính là một thành công lớn. Ông Nam tỏ ra vui mừng và yên tâm khi đã vận chuyển an toàn máy biến thế 200 tấn vào vị trí mặt bằng của nhà máy. Tuy nhiên để có được quyết định chặn dòng đợt cuối nhằm tích nước hồ chứa thì nhà đầu tư còn phải tiến hành rà soát, xem xét rất nhiều công việc và lo liệu các thủ tục có liên quan đến công tác bảo vệ di sản lịch sử, văn hóa, công tác đền bù, di dân, tái định cư…

    Những nỗ lực lao động vượt bậc của các lực lượng xây dựng trên công trường đạt được rất nhiều thành quả là món quà chúc mừng kỷ niệm ngày thành lập ngành Xây dựng Việt Nam 29/4, Thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế Lao động 01/5.

    Nậm Nhùn, Lai Châu cuối tháng 4/2015

    Phóng sự của Lê Nguyên Tất