Menu
  • Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào!

    Thứ ba, 28 Tháng Tư, 2015

    (Xây dựng) – “TP.HCM đang khởi sắc, dần tạo cho mình dáng dấp của một đô thị văn minh, hiện đại và có đặc trưng riêng thông qua những công trình có vốn đầu tư nước ngoài, các công trình công cộng, nhà ở của nhân dân và những cảnh quan kiến trúc cũ được bảo tồn”, đó là đánh giá của TS.KTS Lê Văn Năm – nguyên KTS trưởng TP.HCM.



    Đại lộ Đông Tây, một đại lộ đẹp chạy dọc bờ kênh của TP.HCM.

    TP của 40 năm trước

    Từng là “nhạc trưởng” trong quá trình kiến tạo nên diện mạo mới cho TP sau ngày thống nhất đất nước, TS.KTS Lê Văn Năm bồi hồi nhớ lại: Hơn 40 năm Sài Gòn tuy được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông” nhưng bộ mặt TP chỉ thực sự khang trang ở khu vực trung tâm, còn tổng quan thì Sài Gòn ngày ấy phát triển vừa lan rộng, vừa chen chúc, hỗn độn, kênh rạch ô nhiễm nặng, hạ tầng yếu kém và không đồng bộ. Sau năm 1975, dù rằng Sài Gòn không bị tàn phá bởi chiến tranh nhưng phải trải qua giai đoạn khó khăn, cơ chế quản lý chưa tạo được nguồn lực cho phát triển nên nhìn chung bộ mặt vẫn rất nhếch nhác, nhiều nhà máy, nghĩa trang vẫn tồn tại trong lòng TP. Trong khi ấy, hệ thống kênh rạch đóng vai trò quan trọng về nhiều mặt đối với Sài Gòn với chiều dài hơn 100km lại là nơi cư ngụ hợp pháp và bất hợp pháp của 26 ngàn hộ dân trong sự tạm bợ với những căn nhà “ổ chuột”, rách nát mọc chen chúc bên kênh rạch không những mất vệ sinh mà còn tồn tại nhiều tệ nạn xã hội.

    Theo tài liệu của TS.KS Võ Kim Cương – nguyên Phó KTS Trưởng TP.HCM, đến năm 1992, trong lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè rộng 3.324ha (chiếm 24% diện tích 12 quận nội thành) đã có hơn 900 ngàn người sinh sống (chiếm khoảng 25% dân số toàn TP), nước thải sinh hoạt và công nghiệp đã xả thải thẳng vào dòng kênh. Lòng kênh qua nhiều năm không được nạo vét, dòng chảy bị thu hẹp, cùng với chế độ bán nhật triều, khi triều lên, nước sông Sài Gòn chỉ vào được 2,5km ở hạ lưu, làm cho nước bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối trước khi được ra sông lớn. Dòng kênh xanh đã chuyển sang màu đen và khi mưa lớn còn gây ngập trên diện rộng hàng nghìn héc ta. Tình trạng dân cư trên và ven kênh rất phức tạp, 35% không có hộ khẩu thường trú, số vãng lai hầu như không kiểm soát được, tình trạng nhà ở tồi tệ, tạm bợ, dễ cháy, không có nhà vệ sinh, không đủ nước sạch, 45% nhà chưa có chủ quyền hợp pháp.

    Cùng “hoàn cảnh” với kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tân Hóa – Lò Gốm và kênh Tàu Hũ – Bến Nghé cũng chịu áp lực từ người dân tứ xứ đổ về Sài Gòn mưu sinh, tìm kiếm một “chốn cắm dùi”. Dân nhập cư tràn ra mặt kênh, dựng những căn nhà tạm bợ, xả mọi chất thải xuống đó khiến cho dòng kênh bị ô nhiễm nặng nề, bốc lên mùi hôi thối. Phần lớn cư dân sống tại 2 bên của các dòng kênh này là người nghèo, công việc bấp bênh, tỷ lệ bệnh tật và tệ nạn xã hội cao.

    Phía Nam TP của hơn 30 năm trước vẫn chỉ là một vùng đầm lầy nhiễm mặn, nền đất yếu, chỉ có cây đước và hầu như không có giá trị về mặt kinh tế, trong khi vị trí của khu Nam lại rất gần với trung tâm TP và gần với cảng Sài Gòn. Nhưng để biến một vùng đầm lầy, hoang hóa như vậy thì không phải ai cũng dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên tới nay Phú Mỹ Hưng đã khẳng định được vị thế của mình trong lòng TP.HCM và cả nước.

    Đây chỉ là một vài nét chấm phá để thấy được sự “thay da đổi thịt” của Sài Gòn xưa và nay. Đó là thành quả của Đảng bộ, nhân dân và chính quyền TP.HCM tron suốt 40 năm qua.

    Hồi sinh các dòng kênh

    “Tình trạng người dân sống ven và trên kênh rạch khiến cho bộ mặt TP trở nên nhếch nhác, đời sống người dân, an ninh xã hội không đảm bảo đã từng là nỗi bức xúc của lãnh đạo TP qua các nhiệm kỳ. Vì vậy, chính quyền TP đã thực hiện đồng bộ chương trình cải tạo kênh rạch với mục tiêu cải thiện môi trường, giải quyết đời sống của dân cư, tổ chức giao thông thủy có liên quan tới vùng phụ cận và cải thiện bộ mặt kiến trúc, cảnh quan dọc hai bên bờ của các dòng kênh”, theo TS.KTS Lê Văn Năm.

    Dự án cải tạo dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I từ 1993 – 1998 là cải tạo kênh và chỉnh trang đô thị dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè với tổng giá trị đầu tư 1.015 tỷ đồng; Giai đoạn II từ 2002 – 2020 là dự án vệ sinh môi trường TP.HCM (lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) với kinh phí 200 triệu USD. Từ dự án này, 11.423 hộ với 68.538 nhân khẩu sống trên kênh và ven kênh đã được giải quyết chỗ ở ổn định, góp phần an cư lạc nghiệp cho bộ phận dân cư nơi đây, làm tăng quỹ nhà ở và góp phần làm giảm mật độ dân cư khu vực nội thành. Với môi trường, dự án này đã cải tạo, nâng cấp toàn bộ hạ tầng kỹ thuật tuyến kênh, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, tiêu thoát nước, điều hòa không khí, tạo trục cảnh quan đô thị và tăng cường lĩnh vực giao thông khu vực nội thành với lưu khu vực rộng gần 3.300ha và dân số gần 900 ngàn người. Giai đoạn II hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường nước lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được cải tạo nhằm đảm bảo nhu cầu thoát nước, khắc phục tình trạng ngập; chuẩn bị cho việc xử lý nước thải, chống ô nhiễm dòng kênh và cải tạo chỉnh trang dòng kênh, cải thiện môi trường sống và chỉnh trang đô thị. Đến nay, toàn bộ hệ thống cống thoát nước (cấp III và IV) trong lưu vực đã được sửa chữa và xây mới, bờ kênh đã được kè lại bằng bê tông cốt thép chắc chắn, đường và công viên ven kênh được mở rộng, nước dòng kênh đã trở lại màu xanh và hàng vạn hộ dân trong lưu vực kênh, ven kênh đã xây dựng lại nhà ở kiên cố trên hai trục đường mới dọc kênh và trong các khu vực lân cận, cải tạo các đường hẻm, nâng cấp đô thị, đời sống được nâng cao rõ rệt. Công trình này đã tạo nên bộ mặt cảnh quan đô thị khang trang hơn trước rất nhiều dù kiến trúc nhà ở nơi đây chưa được như mong muốn. Tuy nhiên, nhờ hai trục đường và hàng cây xanh ven kênh đã trở thành một trục cảnh quan khá đẹp, môi trường trong lành chạy dọc qua nhiều quận nội thành.

    Kênh Tân Hóa – Lò Gốm nằm trên địa bàn các quận: 6, 11 và Tân Phú với tổng chiều dài 6,8km. Trước khi dự án thực hiện, tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm không chỉ ô nhiễm trầm trọng về nguồn nước mà còn lưu chứa một lượng rác thải rất lớn. Sau 3 năm triển khai, công trình đã đem lại niềm vui cho hơn một triệu dân trong khu vực trực tiếp hưởng lợi. Đặc biệt, kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, là dòng kênh chạy dọc từ quận: 1, 4, 5, 6, 8 xuống Bình Tân, Tân Phú, đã từng là một tuyến giao thông huyết mạch tạo điều kiện thông thương cho các thương gia lúa gạo, trái cây… từ miền Tây lên Sài Gòn. Từ những năm 1950, do ảnh hưởng bởi chiến tranh, tình hình kinh tế khó khăn, dòng kênh này đã bị bỏ quên đến mức còn được gọi là “dòng kênh chết”. Tới năm 1999 đã được Chính phủ phê duyệt cải tạo môi trường nhằm đưa TP.HCM trở thành một đô thị kiểu mẫu về văn minh hiện đại. Sau 10 năm thực hiện, những khu nhà nhếch nhác được giải tỏa, những cây cầu mới hình thành, lòng kênh được nạo vét, những con đường tuyệt đẹp được hình thành dọc bờ kênh.

    TS.KTS Lê Văn Năm chia sẻ: Nếu đứng từ cầu Khánh Hội nhìn cảnh quan phía bên Tàu Hũ thì mới thấy rõ sự đổi mới to lớn do dự án này mang lại. Kênh Tàu Hũ – Bến Nghé được chỉnh trang đã làm thay đổi hầu hết người dân ven kênh. 2.537 hộ dân đã thoát khỏi cuộc sống ổ chuột bởi được chuyển tới các khu tái định cư khang trang ở các quận: 4, 7 và 8. Dự án cải tạo kênh Tàu Hũ – Bến Nghé góp phần tạo gương mặt mới cho cảnh quan đô thị TP.HCM và cơ hội kinh doanh du lịch sông nước từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây, một thế mạnh sẵn có của phương Nam.

    “Thay da đổi thịt”

    Thời gian qua, diện mạo TP.HCM đã có nhiều thay đổi, bởi chính quyền TP đã nỗ lực đầu tư vào các công trình công cộng, đặc biệt là những mảng xanh trong lòng TP. Nhớ lại sau giải phóng, TP rơi vào tình trạng thiếu cây xanh. Vì thế khi sắp xếp lại, lãnh đạo TP cùng các nhà quy hoạch đã quyết định dành phần lớn đất để làm công viên như công viên văn hóa Đầm Sen, Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng cùng nhiều nhà văn hóa, nhà thi đấu thể thao, trường học, bệnh viện… với những kiến trúc đẹp hơn, hài hòa hơn.

    Và thành quả nổi bật nhất trong sự nghiệp đổi mới của TP là đã kêu gọi đầu tư thành công Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Đây là giấc mơ được biến thành hiện thực, giấc mơ phát triển TP ra hướng biển, mở ra cách làm sáng tạo bài bản, đảm bảo là một đô thị sinh thái, phát triển đồng bộ, bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa môi trường tự nhiên và nhân tạo, góp phần tạo lập bộ mặt mới cho một đô thị hiện đại với cảnh quan kiến trúc hấp dẫn cùng với cách quản lý chuyên nghiệp đã trở thành một thương hiệu của cả nước và được nhiều bạn bè quốc tế biết tới.

    Cùng với việc cải tạo, đầu tư xây dựng mới thì công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị cũ đã tạo nên một nét riêng của TP.HCM. Những công trình có giá trị lịch sử như Nhà hát TP, Bảo tàng Cách mạng, Bến nhà Rồng… Nhiều dãy phố, biệt thự được giữ lại góp phần đáng kể cho bộ mặt đô thị, đem lại giá trị thẩm mỹ kiến trúc truyền thống, đáp ứng được phần nào nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, khách du lịch và kết nối thế hệ trẻ với lịch sử của TP. Những năm qua, TP.HCM đã đạt được thành tựu khá cơ bản trong phát triển và tạo dựng vóc dáng riêng của một đô thị lớn và hiện đại. Mặc dù còn nhiều ngổn ngang, thiếu sót, nhưng nhờ có quyết tâm cao cùng sự sáng tạo của nhân dân TP, nên TP.HCM sẽ xứng đáng là một đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại và bản sắc riêng.

    Mai Thanh